Bánh xe học tập (Wheel of Learning) – Phần 2: Các mảnh ghép hoàn thiện “Active learning”
Ở Phần 1, chúng ta đã tìm hiểu về Cách thức tương tác giữa người lớn và trẻ nhỏ (Adult-Child Interaction) – yếu tố cốt lõi của Bánh xe học tập. Để phương pháp “Active learning – Học tập chủ động” thực sự hiệu quả, ba yếu tố còn lại là những mảnh ghép cần thiết tạo thành một vòng tròn toàn diện, giúp khai thác tối đa sự chủ động và niềm yêu thích học tập, tinh thần sáng tạo của các bạn nhỏ trong giai đoạn phát triển vàng. Mời ba mẹ tìm hiểu nhé!
1. Môi trường học tập khuyến khích sự sáng tạo
Một môi trường học tập trong HighScope không chỉ đơn thuần là phòng học, mà là tất cả không gian mở trong khuôn viên trường, được trang bị phù hợp với năng lực và nhu cầu khám phá của các thành viên. Lớp học được chia ra các góc chơi, trang bị nguyên vật liệu đa dạng, được phân loại và dán nhãn khoa học giúp trẻ chủ động trong quá trình tìm kiếm – sử dụng – dọn dẹp; từ đó hình thành tư duy chủ động và có trách nhiệm với môi trường sinh hoạt chung.
Mỗi khu vực đều khuyến khích một kỹ năng và định hướng phát triển khác nhau. Thay vì chỉ có đồ chơi cố định, trẻ được tiếp cận với nhiều loại nguyên liệu mở, được cập nhật/thay mới theo nhu cầu nâng cấp kế hoạch giảng dạy của Giáo viên. HighScope không đòi hỏi các học cụ đắt tiền mà khuyến khích sử dụng các nguyên vật liệu trong đời sống hàng ngày; không chỉ giúp trẻ mô phỏng thế giới thật, học cách hoàn thiện các kỹ năng mà còn tạo điều kiện cho nhà trường dễ dàng nhân rộng mô hình lớp học mà không vướng phải rào cản chi phí.
2. Lịnh trình sinh hoạt/học tập đáp ứng tâm lý lứa tuổi
“Daily routine” nhất quán không chỉ gia tăng cảm giác ổn định, hình thành thói quen sinh hoạt, chơi học nề nếp mà còn xây dựng tính độc lập, tự nguyện tham gia khi trẻ hòa nhập môi trường mới. Lịch trình sinh hoạt của HighScope bao gồm các hình thức đa dạng từ Hoạt động theo Quyền lựa chọn của cá nhân (Plan-Do-Review) đến Học tập nhóm nhỏ (Small Group) có hình thức tương tác 1-1 giữa Giáo viên – trẻ nhằm cung cấp kiến thức sâu, phù hợp năng lực tư duy cá thể và cuối cùng là Hoạt động Nhóm lớn (Large Group) giúp thúc đẩy các kỹ năng xã hội, tạo điều kiện cho các bạn chia sẻ ý kiến/học hỏi lẫn nhau.
Lịch trình học tập cân đối các hình thức sẽ cân bằng nhu cầu tâm lý của những cá tính khác nhau, giúp các bạn hướng nội tự tin hơn, học cách làm việc với bạn; trong khi đó các bạn hướng ngoại, năng động sẽ có những giờ làm việc cá nhân, đòi hỏi tập trung sâu; từ đó cá nhân nào cũng trải qua các hoạt động phát huy thế mạnh và bồi đắp khiếm khuyết một cách tự nhiên.
3. Các công cụ đánh giá khoa học
Dựa vào các chỉ số phát triển (KDIs) và khung năng lực chung cho trẻ em toàn cầu trong độ tuổi Mầm Non, HighScope nghiên cứu và phát triển công cụ đánh giá COR Advantage – Hệ thống theo dõi sự phát triển của trẻ, chia ra 7 cấp độ với sự hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong từng cấp độ giúp Giáo viên nắm bắt năng lực và lên kế hoạch hỗ trợ các cá nhân phát triển lên mức tiếp theo. Tại Mỹ, COR Advantage (Child Observation Record) còn được sử dụng đánh giá trẻ trong các chuơng trình giáo dục Mầm Non chưa tích hợp công cụ khảo sát năng lực người học. Về phía nhà trường, HighScope cũng cung cấp các công cụ khảo sát năng lực Giáo viên (PQA – Program Quality Assessment) một cách khách quan, khoa học giúp Ban Giám Hiệu có kế hoạch rõ ràng trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng dựa trên các nghiên cứu và bằng chứng khoa học (researched-based assessment) thay vì ý kiến chủ quan của người lãnh đạo.
Tổng kết: Lý do mô hình học tập HighScope được biểu hiện như một chiếc bánh xe, một vòng tròn vì tính gắn kết của từng thành phần giúp cho bánh xe có thể hoạt động trơn tru, hiệu quả. Việc thiếu bất kỳ yếu tố nào, ví dụ ngân sách để trang bị môi trường, lớp học theo chuẩn HighScope; thiếu đi đội ngũ Giáo viên đủ kiên nhẫn theo đuổi chương trình đào tạo và huấn luyện mất ít nhất 6 tháng – 1 năm; hoặc thành viên trong Ban Giáo hiệu chưa đủ điều kiện được cấp chứng nhận Certified Trainer (Giảng viên và chịu trách nhiệm chuyên môn theo chuẩn HighScope) cũng tạo ra các khiếm khuyết khiến bánh xe không thể hoạt động hiệu quả như mong đợi. Đây chính là rào cản lớn nhất khiến HighScope chưa thể phổ biến bằng các chương trình khác, có qui trình triển khai ít tiêu chuẩn hơn, không chỉ tại Việt Nam mà ngay cả các quốc gia khác trong khu vực. Một ý nghĩa khác từ hình ảnh Bánh xe học tập chính là sự liên tục, không có khởi đầu và kết thúc của chuỗi qui trình. Nó đòi hỏi nỗ lực không ngừng, như hành trình Plan-Do-Review mà mỗi cá nhân tham gia vào Bánh xe cần có trong nỗ lực cam mang đến một chương trình Mầm Non chất lượng cao theo định hướng mà HighScope đề ra.
5 phút hôm nay chắc cũng đủ rồi đúng không ạ! Lần sau, mình tiếp tục với việc tìm hiểu “Trái tim của HighScope”; qui trình Plan-Do-Review ba mẹ nhé!