Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 – Giải tỏa nỗi lo của ba mẹ
Chuyển từ Mầm non lên lớp 1, trẻ sẽ đối diện với bao điều lạ lẫm, từ trường mới, bạn mới, thầy cô mới, đến các hoạt động học tập khác hẳn với môi trường Mầm Non. Lo lắng là điều không thể tránh khỏi vì từ nay, con phải tự lập những vấn đề cá nhân lẫn học tập. Trong bài viết này, Little People sẽ cùng quý phụ huynh gỡ bỏ gánh nặng tâm lý cho chính mình và trang bị cho con một số kỹ năng để sẵn sàng bước vào lớp 1 nhé!
Trút bỏ nỗi lo của ba mẹ
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ con như một tờ giấy trắng, việc tạm biệt ngôi trường Mầm non để bước vào một cấp học mới đối với các con không… đáng sợ. Hầu hết nỗi lo lắng, sợ hãi của trẻ đều được vô tình lây truyền từ người lớn chúng ta. Vì thế, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, việc chuẩn bị tâm thế cho con phải bắt đầu bằng việc giải tỏa nỗi lo (đôi lúc hơi thái quá)… của ba mẹ.
Thật vậy, ba mẹ cần thả lỏng và xác định rằng đây là cột mốc không của riêng ai và mọi đứa trẻ đều đã vượt qua một cách nhẹ nhàng. Thêm vào đó, ba mẹ luôn có sự đồng hành của các cô giáo tại Little People, những người luôn dẫn dắt các bạn lớp Lá làm quen với môi trường học tập của lớp 1 trong những tiết học lồng ghép, và trong Khóa Hè sắp tới. Cuối cùng, chúng ta vẫn còn hơn 3 tháng để chuẩn bị cho trẻ một tâm lý thoải mái, hào hứng và những kiến thức, kỹ năng nền tảng để nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới.
Trang bị nền tảng cho con
- Kích thích sự hứng thú của trẻ: Trẻ luôn có sự tò mò và phấn khích trước những điều mới mẻ. Vì thế, ba mẹ có thể kích thích sự hào hứng của trẻ với lớp 1 bằng cách đưa con đi tham quan trường mới, kể cho con nghe về những điều khác biệt giữa lớp 1 và Mầm non hay đưa con đi mua sắm đồ dùng học tập mới và khuyến khích con tự chọn những mẫu mình yêu thích.
- Làm quen với thời gian biểu mới: Để trẻ quen dần với giờ giấc sinh hoạt của khối Tiểu học, trong mùa hè, ba mẹ có thể điều chỉnh dần nếp sinh hoạt của con tại nhà. Sắp xếp giờ ăn, giờ ngủ, giờ học tập, vui chơi của con tương đồng với thời gian biểu của lớp 1, từ đó con sẽ thích nghi nhanh hơn và không quá bỡ ngỡ khi bước vào năm học mới.
- Dạy con các kỹ năng tự lập: Ở bậc học Mầm non, con trẻ được sự hỗ trợ rất nhiều từ các cô giáo trong sinh hoạt hằng ngày. Khi bước vào lớp 1, con phải làm quen với việc tự lập như tự bảo vệ bản thân, biết giao tiếp trong tập thể hay kỹ năng tự phục vụ. Việc dạy con cách ăn uống sạch sẽ (tự xúc ăn, cất dọn khay sau khi ăn, tự biết rót nước và uống khi khát), tự vệ sinh cá nhân, biết sử dụng nhà vệ sinh hay nhờ người lớn giúp đỡ khi cần… là vô cùng cần thiết. Quan trọng hơn, ở môi trường Tiểu học, các bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng giao tiếp, chia sẻ mong muốn, nguyện vọng của bản thân với cô, với ba mẹ để giúp con hoà nhập, cởi bỏ những bỡ ngỡ, lo lắng trong thời gian đầu chuyển đổi.
- Tiếp xúc với Toán và Tiếng Việt: Khả năng tập trung và kỹ năng học tập của trẻ cần được rèn luyện và bồi dưỡng khi bước vào bậc Tiểu học. Với các bạn đã học với Little People từ lớp Mầm, các bạn sẽ được trang bị những kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng học tập cần thiết và kiến thức Tiền Tiểu học phù hợp. Bắt đầu từ học kỳ 2 của lớp Chồi, các bạn đã bắt đầu làm quen với kỹ năng đồ nét, rèn luyện vận động tinh để chuẩn bị cho kỹ năng viết. Đến đầu lớp Lá, các bạn sẽ chính thức bắt đầu các nội dung bổ trợ kiến thức bao gồm kỹ năng làm việc nhóm (thảo luận nhóm, trình bày, làm bài tập/dự án nhóm…), làm quen với bảng chữ cái tiếng Việt và đặc biệt là nội dung Toán tư duy, là một chương trình chuyên biệt do nhà mình xây dựng để giúp con hình thành nền tảng Toán học vững chắc trước khi vào lớp 1.
Ngay cả khi con hoàn thành chương trình lớp Lá, ba mẹ có thể tận dụng thời gian 3 tháng Hè để giúp con bồi đắp nền tảng học thuật vững vàng hơn bằng chương trình Hè EPath với các nội dung chuyên sâu giúp con dễ dàng hoà nhập vào Học kỳ 1 chương trình Lớp Một.
Kiên nhẫn đồng hành cùng con vượt qua khó khăn
Cho dù con trẻ có được trang bị kỹ lưỡng đến đâu thì cũng không thể tránh khỏi những ngày đầu bỡ ngỡ, lạ lẫm trước môi trường mới. Lúc này, sự kiên nhẫn và động viên đúng lúc của ba mẹ là vô cùng quan trọng, để giúp con hình thành tâm thế tự tin, và tin rằng “Con sẽ vượt qua!”. Ba mẹ cũng cần là “tấm lọc”, để lọc bỏ những tiêu cực và những điều lệ bất thành văn trong suốt quá trình con vào lớp 1, đặc biệt là ở những ngôi trường đòi hỏi đầu vào quá khắt khe.
Mỗi đứa trẻ đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng nên quá trình “khởi động”, bắt nhịp với môi trường học tập mới cũng khác nhau. Ba mẹ cần hiểu rõ năng lực của con để không đặt ra những kỳ vọng, đòi hỏi vượt quá sức trẻ, đặc biệt là áp lực về điểm số trong thời gian đầu. Việc hướng dẫn con viết chữ, làm toán tại nhà cũng cần bố trí nhẹ nhàng, vừa sức; kết hợp với những lời khen ngợi, động viên cho cho sự tiến bộ của con dù là nhỏ nhất.
Ba mẹ cũng nên lắng nghe chia sẻ của con trong thời gian đầu tới lớp và đối chiếu với cảm nhận của giáo viên, để biết con đang gặp khó khăn ở đâu và hỗ trợ kịp thời. Thực tế cho thấy đa số trẻ khi đã vượt qua được học kỳ 1 thì ở học kỳ 2, con sẽ dễ dàng bắt nhịp hơn và có thể đẩy nhanh quá trình tiếp thụ, hòa nhập từ lớp 2. Ba mẹ yên tâm nhé!
Leave a Reply