Giúp con trẻ chậm nói phát triển kỹ năng ngôn ngữ
Cũng như thể chất, trí não và tâm lý cảm xúc, khả năng ngôn ngữ của mỗi trẻ được phát triển với những tốc độ khác nhau. Chẳng hạn từ 18-24 tháng tuổi, trẻ sẽ nói được 10 đến 50 từ khác nhau, biết tuân theo những hướng dẫn cơ bản và biết dùng các cụm từ ngắn. Làm thế nào để giúp trẻ đạt được những cột mốc này và hơn thế nữa? Mời các bạn cùng Little People đi tìm câu trả lời nhé!
Vì sao con trẻ chậm nói?
Theo tổ chức Sức khỏe Trẻ em (www.healthychildren.org), cứ 5 trẻ ở tuổi lên 2 lên 3 thì sẽ có 1 trẻ chậm nói. Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với các thập kỷ trước. Trẻ chậm giao tiếp bằng ngôn ngữ có thể chỉ là vấn đề tạm thời, bởi những tác động từ môi trường sống. Trong đó, việc thiếu tương tác xã hội và tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ cũng là một tác nhân đáng kể. Ngoài ra, chậm nói cũng có thể đến từ các nguyên nhân về tâm lý và bệnh lý. Những trẻ đang bị stress, trầm cảm, rối loạn lo âu có xu hướng chậm nói hoặc thậm chí không muốn tập nói.
Dự án “Học nói cùng con” tại Little People
Để giúp trẻ đạt được những cột mốc chuẩn về giao tiếp, từ đầu tháng 9, Little People đã triển khai dự án hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ mang tên “Học nói cùng con”. Chương trình được áp dụng ở khối Nhà trẻ từ 18-24 tháng và 25- 36 tháng, dành cho những bạn chưa đạt được chuẩn phát triển độ tuổi sau khảo sát.
Theo đó, các con được giáo viên theo dõi và ghi chú khả năng ngôn ngữ thể hiện qua 3 tiêu chí gồm: Vốn từ ngữ, Khả năng nghe hiểu, Khả năng nói và diễn đạt. Kết quả này sẽ được so sánh với chuẩn phát triển thông thường của độ tuổi, là căn cứ để thầy cô cùng Ban giám hiệu phân nhóm và lên kế hoạch hoạt động cụ thể. Mỗi bạn sẽ có một lộ trình riêng và kết thúc vào thời điểm con đạt được ít nhất 80% chuẩn phát triển của độ tuổi.
Hoạt động hỗ trợ thông thường sẽ bắt đầu bằng hình thức flashcard với từng trẻ, để giúp các con để tăng vốn từ vựng, được triển khai trong các khung giờ chơi góc, chơi tự do của cả lớp. Thêm vào đó, giáo viên cũng sẽ tăng cường tương tác, trò chuyện với trẻ để khuyến khích con hồi đáp, bằng hành động hoặc lời nói để áp dụng vốn từ đã học. Khi vốn từ đã đáp ứng chuẩn độ tuổi, các con sẽ được tập trung chủ yếu vào tương tác, trò chuyện và khơi gợi ngay cả trong tiết học để kích thích năng lực nghe hiểu và diễn đạt.
Để ba mẹ đồng hành cùng con tại nhà?
Tuy nhiên, những nỗ lực của nhà trường sẽ không đạt được hiệu quả tốt nhất nếu thiếu sự đồng hành từ ba mẹ. Ở tuổi mầm non, trẻ vẫn dành phần lớn thời gian với gia đình, chưa kể việc giao tiếp với ba mẹ có ảnh hưởng đáng kể để sự phát triển ngôn ngữ và trí não của con trẻ. “Ở đây, điều quan trọng không nằm ở việc ba mẹ nói con nghe, mà bạn hãy cùng trẻ tạo nên những cuộc trò chuyện hai chiều, có tính tương tác cao” – khuyến cáo từ chuyên gia tâm lý, Học viện MIT, Hoa Kỳ.
Dưới đây là 5 bí quyết bỏ túi mà ba mẹ có thể tiếp nối dự án “Học nói cùng con” tại nhà, giúp đẩy nhanh khả năng ngôn ngữ:
- Đọc sách cùng con: Đọc được xem là hoạt động tốt nhất giúp trẻ nhận biết âm thanh, chữ cái, từ vựng, hình ảnh và gợi mở trí tưởng tượng. Bên cạnh hình thức flashcard ở lớp, tùy vào từng độ tuổi, ba mẹ có thể đọc sách cho con, đọc cùng con rồi khuyến khích con “tự đọc, tự chơi với sách” theo cách của mình. Cách tốt nhất là duy trì thói quen đọc cùng con đều đặn hằng ngày, với những câu chuyện có độ dài từ 4-5 phút.
- Kể chuyện: Ngoài những câu chuyện được kể trước giờ đi ngủ, hãy giúp trẻ mở rộng vốn từ hằng ngày bằng cách biến những hoạt động của chính bạn hay của con trẻ thành những câu chuyện nhỏ. Ví dụ: “Mẹ đang nấu một bữa ăn cho con. Với khoai tây, bông cải xanh và thịt băm” hoặc “Con đang đi chiếc xe đạp màu xanh đấy. Bánh xe của nó thật đẹp!”
- Sử dụng câu hỏi mở: Cũng như ở trường, thay vì chỉ cho con sự lựa chọn đơn giản giữa “có” hoặc “không”, ba mẹ cố gắng đặt những câu hỏi mở để khuyến khích con đưa ra suy nghĩ của mình. Ví dụ “Vì sao con thích bông hoa này?” hay “Bạn kiến đang đi đâu thế nhỉ?”. Đôi khi ba mẹ sẽ vô cùng bất ngờ trước sự sáng tạo và vốn từ phong phú của các bạn nhỏ đấy!
- Tăng môi trường tương tác: Trẻ không thể dạn dĩ và giao tiếp tốt nếu thiếu môi trường thực tế. Ngoài những giờ tương tác ở lớp, ba mẹ có thể đưa con về thăm ông bà, đến các khu vui chơi, gặp gỡ các trẻ hàng xóm… Đây cũng là cách tốt nhất giúp con đưa những suy nghĩ, ý tưởng của mình vào tình huống thực tế và để con được nói/phản ứng theo cách của mình.
- Không chỉnh sửa và chỉ trích: Phát triển ngôn ngữ cũng là cả một quá trình. Nếu con nói ngọng, nói đớt hoặc dùng từ chưa đúng, ba mẹ đừng vội vàng sửa chữa hay chỉ trích. Con trẻ có thể cảm thấy xấu hổ và không muốn thử nữa. Thay vào đó, hãy thử lặp lại cụm từ hay câu mà con đã dùng với cách diễn đạt đúng.
Leave a Reply